Tháng Chín 17, 2024

Chật vật với hàng chục tín chỉ nợ, Hưng, 23 tuổi, lỡ hẹn ra trường đã hơn một năm.

Ngay từ năm thứ nhất đại học, nam sinh ngành Tài chính-Ngân hàng, trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, bắt đầu nợ môn và thi lại liên miên.

“Tính sơ qua từ năm nhất đến nay em cũng học lại khoảng 30-40 tín chỉ”, Hưng nói, cho biết sau bốn năm vẫn nợ hơn 10 môn học, gồm cả môn đại cương và chuyên ngành, như Toán cao cấp, tiếng Anh, Kế toán ngân hàng, Nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng. Vì thế, nam sinh chưa thể ra trường vào tháng 6/2021 như các bạn bè cùng khóa.

Cùng tình cảnh với Hưng, Hoàng, sinh viên trường Đại học Nội vụ đang bí bách vì nợ 6 môn. Trong số này, có môn Thống kê lao động xã hội, Luật Lao động, Công tác văn thư lưu trữ.

Trong khi Hưng và Hoàng đang tính toán việc trả nợ môn thì Linh, 19 tuổi, cựu sinh viên Đại học Hàng hải Việt Nam quyết định bỏ dở sau khi trượt môn tiếng Anh.

Thí sinh thi tốt nghiệp tại điểm thi THPT Trưng Vương, quận 1, TP HCM, ngày 7/7/2022. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo khảo sát, tình trạng sinh viên nợ môn dẫn đến bị cảnh cáo học vụ hoặc bị cho thôi học không phải hiếm. Tỷ lệ sinh viên ra trường đúng hạn ở nhiều trường đại học khoảng 60 – 80%.

Hôm 23/9, Học viện Ngân hàng ra quyết định buộc 346 sinh viên thôi học sau học kỳ II năm học 2021-2022. Trong số này, có nhiều sinh viên vượt quá thời gian đào tạo tới 2-3 năm vẫn chưa hoàn thành đủ tín chỉ; nhiều sinh viên khác nợ tới 50-60 tín chỉ.

Tại TP HCM, nhiều trường đại học đưa ra cảnh báo học vụ và buộc thôi học hàng trăm sinh viên mỗi năm do kết quả yếu kém hoặc nợ môn. Học kỳ I, năm học 2021-2022, Đại học Luật TP HCM dự kiến buộc thôi học 76 sinh viên học lực yếu, nợ quá 24 tín chỉ hoặc bị cảnh báo hai lần liên tiếp. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đúng hạn của trường đạt khoảng 73%. Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM cảnh báo học vụ hơn 400 sinh viên ở học kỳ II năm ngoái. Còn Đại học Công nghiệp thực phẩm công bố danh sách dự kiến cảnh báo học vụ và buộc thôi học tới 1.036 sinh viên trong cả năm học. Mới đây, hôm 26/9, trường Đại học Giao thông vận tải TP HCM thông báo 141 sinh viên trong diện cảnh báo thôi học học kỳ I năm học 2022-2023.

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

TS Lê Xuân Thành, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên trường Đại học Mỏ-Địa chất, cho biết sinh viên nợ môn thường rơi vào trường hợp xao nhãng việc học tập do không có sự giám sát của bố mẹ hay đăng ký khối lượng học tập chưa hợp lý dẫn đến áp lực. Năm học 2021-2022, mỗi học kỳ trường này ghi nhận 6-10% sinh viên thuộc diện cảnh báo về học lực do nợ nhiều môn và chỉ khoảng 60-70% sinh viên năm cuối tốt nghiệp đúng thời hạn.

Ở trường Đại học Tây Nguyên, PGS TS Nguyễn Phương Đại Nguyên, Trưởng phòng Đào tạo, nhận định nguyên nhân chính dẫn đến việc sinh viên nợ môn là do quá chú tâm vào việc làm thêm, không cân đối được thời gian học khiến kết quả sa sút. Năm qua, trường này cảnh cáo học vụ hơn 300 sinh viên và buộc thôi học gần 100 em, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đợt một năm nay chỉ đạt 70-80%. Ngoài ra, theo ông Nguyên, cũng có nguyên nhân vì sinh viên gặp khó khăn ở một số môn chuyên ngành có độ khó cao hay nhiều em ở vùng nông thôn, miền núi phải chật vật học ngoại ngữ khi vào đại học.

Việc nợ môn của Hưng, Hoàng và Linh cũng xuất phát từ những nguyên nhân này. Hưng chia sẻ khi học Toán cao cấp, nam sinh không thể hiểu được kiến thức với cách dạy của giảng viên. Do không có phương pháp học, lại ngại hỏi, dần dần Hưng thường ngủ gật và nghỉ học vào những ngày mưa gió. Kết quả, nam sinh trượt môn Toán cao cấp và một số môn chuyên ngành khác, các môn còn lại cũng chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình khá.

Linh thì mất gốc tiếng Anh từ khi còn học THPT nên nản khi môn này càng khó hơn ở bậc đại học. Ngay khi học năm thứ nhất, nữ sinh đã không thể hiểu được bài giảng hay câu hỏi của giảng viên. Không quyết tâm học, nữ sinh sau đó trượt tất cả các phần thi ở môn học này. Đúng lúc băn khoăn về học phí, nữ sinh quyết định dừng học ngay từ năm thứ nhất để chuyển hướng.

Với Hoàng, vì thu nhập của gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của bố mẹ, nam sinh đã tìm việc làm thêm ngay từ khi đặt chân lên Hà Nội. Hoàng làm thêm tại các cửa hàng tiện lợi từ 2 giờ chiều đến 10 giờ tối, một tuần làm sáu ca và chỉ nghỉ một buổi. “Em đi làm thêm vì không muốn bố mẹ vất vả hơn”, Hoàng nói, cho biết dần mất thói quen học bài buổi tối, sáng lên lớp thường mệt mỏi nên không thể tập trung.

Đề thi thử môn Toán cao cấp 1 gây khó khăn cho nhiều sinh viên trong thời gian đầu theo học, năm 2020. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Đề thi thử môn Toán cao cấp 1 năm 2020 khiến Hưng choáng váng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cả ông Thành và ông Nguyên đều cho rằng sinh viên nợ môn chồng chất sẽ là hiệu ứng kéo dài, càng về sau, sinh viên càng chịu nhiều áp lực trả nợ môn để ra trường đúng hạn, tâm lý không tốt dẫn đến chất lượng học tập không đảm bảo. Nhiều sinh viên năm cuối vẫn còn nợ một số môn học đại cương từ năm thứ nhất do chưa biết cách đăng ký, sắp xếp thời gian học trả nợ hợp lý.

Ông Nguyên cho biết thêm một số sinh viên kéo dài thời hạn học tập đến 5-6 năm vẫn chưa trả nợ hết môn, phải tranh thủ thời gian làm việc để quay lại trường học và thi các tín chỉ còn lại.

Theo Hưng, một số môn học như tiếng Anh chuyên ngành chỉ mở đăng ký tín chỉ vào các kỳ cuối của năm học, đăng ký học lại có thể phải chờ tới nửa năm vì còn phụ thuộc vào số lượng lớp và thời gian học. Riêng môn Nghiệp vụ kinh doanh ngân hàng, nam sinh phải làm đơn xin mở lớp tự nguyện vì chỉ có 8 sinh viên học lại, học phí hơn 6 triệu một người.

PGS Nguyên lưu ý muốn trả nợ môn sớm, sinh viên cần lên kế hoạch làm việc và học tập chi tiết. Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phải làm thêm cần chia kiến thức học các môn vừa phải, đều đặn, tránh phải ôn thi cấp tốc, hoặc giảm thời gian đi làm thêm ở những kỳ học chuyên ngành.

TS Thành khuyên sinh viên khi gặp tình trạng này nên liên hệ với cố vấn học tập hoặc bộ phận hỗ trợ đào tạo sớm để có kế hoạch đăng ký tín chỉ phù hợp. Ông Thành nói sinh viên nên tích cực xây dựng bài trên lớp và đi học đầy đủ để có điểm thành phần cao, một số môn có điểm thành phần chiếm 40% tổng điểm. Ngoài ra, sinh viên cần hiểu rằng không có môn học nào quá khó nếu bản thân chăm chỉ, kiên trì và kỷ luật trong học tập.

Trong khi Linh bở dở Đại học Hàng hải để chuyển sang hướng khác, Hưng và Hoàng đều lỡ cơ hội xin việc theo mong muốn vì chưa có bằng tốt nghiệp.

Hưng đang đợi đến tháng 12 để đăng ký học nốt số tín chỉ còn thiếu, rồi làm đơn đề nghị xét tốt nghiệp vào năm 2023. Nam sinh trường Đại học Công nghiệp đã bỏ lỡ cơ hội ứng tuyển vào làm việc tại nhiều ngân hàng trong hơn một năm qua.

Hoàng thì muốn ứng tuyển vào một công ty kinh doanh đồ công nghệ với mức lương khoảng 15 triệu đồng. Tuy nhiên, công ty này yêu cầu phải có bằng tốt nghiệp kèm hồ sơ mới được nhận thử việc.

“Đây là khoản thu nhập mà em có thể gửi về quê đỡ đần cho gia đình”, Hoàng nói, cho biết sẽ tranh thủ từng ngày nghỉ để học trả nợ môn.